1. Giới thiệu bệnh
Bệnh giả dại hay còn gọi là bệnh Aujeszky (Morbus Aujeszky). Đây là một bệnh truyền nhiễm của lợn xảy ra ở dạng cấp tính với tỷ lệ chết cao ở lợn con và đôi khi không có triệu chứng lâm sàng điển hình hoặc với một vài triệu chứng thần kinh ở lợn sau cai sữa đến 3 tháng tuổi. Đối với lợn trưởng thành, bệnh xảy ra giống như bệnh cúm với các triệu chứng của viêm phổi.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do một loại virus chứa AND thuộc nhóm Herpesviridae có sức sống dẻo dai. Trong điều kiện đông lạnh hoặc sấy khô, virus có thể tồn tại đến một năm. Ánh sáng mặt trời trực tiếp giết chết virus giả dại trong vòng 6 - 7h, nhiệt độ 100 độ C sau 30 giây, 70 độ C sau 15 phút, 60 độ C sau 1h. Trong thức ăn, virus giữ hoạt lực trong vòng 40 ngày, ở trên mặt đất từ 6h đến 5 ngày, trong xác gia súc thối rữa 10 – 28 ngày, trong xác gia súc không bị thối rữa 8 – 175 ngày.
Dưới tác dụng của dung dịch xút 2 - 3% hay nước vôi, 15 - 20% virus giả dại chết sau một vài phút, nhưng tương đối bền vững dưới tác dụng của Phenol, Creolin… Thuốc sát khuẩn tốt nhất là Formol 1,5%, 2% của PVP.Iodine 10%, 2% của B.K.Vet.
Người ta đã phân lập được các chủng virus Aujeszky khác nhau từ các lợn bị bệnh ở mức độ khác nhau, nhưng chúng lại có cùng cấu trúc kháng nguyên.
3. Đặc điểm dịch tễ
Trong điều kiện tự nhiên, các loài gia súc bị nhiễm bệnh dại là: lợn, trâu, bò, dê, ngựa, chó, mèo và một số súc vật hoang dại khác như: chuột, lợn rừng, chồn, cáo… Trong điều kiện gây bệnh nhân tạo, thỏ là động vật mẫn cảm nhất, sau đó là chuột bạch và nhiều loại gia cầm khác. Người và ngựa không bị bệnh này.
Lợn ở tất cả các lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh giả dại nhưng mẫn cảm nhất là lợn con sơ sinh, nái non, nái chửa cuối kỳ II và trại lợn chưa lần nào bị nhiễm bệnh. Ở những trại lợn đã xảy ra dịch giả dại thì bệnh xảy ra có tính dịch địa phương lưu cữu chủ yếu ở lợn ngay sau cai sữa hoặc bệnh xảy ra ở lợn mới nhập đàn sau 6 – 7 ngày.
Nguồn bệnh nguy hiểm nhất là động vật gặm nhấm như chuột. Chúng mang virus Aujeszky tới 100 ngày, thậm chí lâu hơn rồi truyền lây sang lợn thông qua phân, nước tiểu và xác chết (từ lợn, căn nguyên lại truyền cho bò, trâu qua phương thức tiếp xúc trực tiếp rồi từ trâu, bò lại lây sang chuột qua thịt và xác trâu, bò).
Một trong những nguồn bệnh chính là lợn ốm, chúng thải virus theo nước mũi, nước tiểu và sữa. Lợn ốm khỏi bệnh tiếp tục thải mầm bệnh một vài tuần sau khi bình phục.
Bệnh có thể lây lan cơ học qua ve, rận và một số loài ký sinh trùng khác. Ngoài ra, chim cũng có thể bị nhiễm và mang mầm bệnh giả dại và trở thành vật truyền bệnh.
Trong tự nhiên, lợn bị nhiễm virus giả dại chủ yếu qua đường sinh dục, tiêu hóa… Lợn con bị nhiễm do bú sữa của lợn mẹ mang virus.
Bệnh giả dại xảy ra quanh năm theo từng đợt dịch và theo chu kỳ. Chỉ trong vòng chục ngày, số lợn bị ốm do giả dại có thể lên tới 60 - 100%. Đợt dịch thường kéo dài 1 - 1,5 tháng, tạm ổn một thời gian rồi nở đợt dịch mới theo sơ đồ hình Sin.
Thông thường trước khi xảy ra dịch giả dại ở lợn nói riêng và gia súc nói chung thường xảy ra dịch ở chuột trước (các loại chuột chết hàng loạt). Đó là một điều kiện để chuẩn đoán sớm bệnh giả dại và có biện pháp phòng chống kịp thời . Những đàn lợn sơ sinh hoặc những trại lợn lần đầu tiên bị bệnh thì tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ lợn ốm và chết rất cao.
4. Cơ chế bệnh sinh
Đã tồn tại hai quan niệm về cơ chế sinh bệnh. Quan niệm thứ nhất: virus giả dại là loại hướng thần kinh, bởi thế chúng phân tỏa trong cơ thể theo mô thần kinh và khu trú ở đó để gây bệnh. Theo quan niệm thứ hai- Hướng toàn thân: trước hết chúng gây nhiễm trùng huyết, tiếp theo nó mới khu trú ở hệ thần kinh. Ngày nay, phần lớn người ta đồng ý theo quan niệm thứ hai.
Trong thời gian lợn bị nhiễm trùng huyết, virus được phát hiện nhiều ở trong máu, các cơ quan nội tạng, cơ, da, đặc biệt thấy nhiều ở trong mô phổi, dịch phồi và chất nhầy từ mũi nhưng trong nước tiểu rất ít khi thấy virus.
Sau khi vào hệ thần kinh, virus cư trú nhiều ở hành não, cầu não. Tại đây, chúng gây viêm não và tủy dẫn đến liệt thần kinh, bởi vậy người ta còn gọi bệnh là viêm hành não truyền nhiễm. Ở lợn trưởng thành, virus gây tổn thương cơ quan hô hấp, dẫn đến viêm phổi tiết dịch tràn lan.
5. Triệu chứng lâm sàng
Lợn con theo mẹ thường bị bệnh ở thể thần kinh trong khi đó ở lợn lớn, triệu chứng bệnh giống như bệnh cúm với các biểu hiện rối loạn hô hấp. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài 12 - 15 ngày, ở lợn dưới 10 ngày tuổi, bệnh xảy ra rất nhanh chúng có thể bị nhiễm bệnh qua bào thai hoặc bú sữa của lợn nái bị bệnh ở dạng cấp tính. Lợn con sơ sinh có thể bị chết tới 100%.
5.1. Lợn con theo mẹ
Trước khi các triệu chứng thần kinh xuất hiện thì hiện tượng nhiễm trùng huyết là phổ biến: lợn sốt cao trên 42 độ C, ủ rũ, giảm ăn. Lợn ốm bị kích thích thần kinh, run, co giật, chảy nước bọt. Sau khoảng 1-3 ngày, nếu lợn không chết thì xuất hiện triệu chứng của tổn thương hệ thần kinh trung ương. Vào thời điểm này, thân nhiệt thường giảm. Lợn chuyển động vô hướng, dáng đi không chắc chắn, xoay vòng tròn. Nôn hoặc muốn nôn, đồng tử bị giãn nên giảm thị lực. Lợn ốm rất mẫn cảm với tác động bên ngoài, khi sờ vào thì lợn rít lên. Về sau, tính mẫn cảm giảm xuống, lợn kêu lạc giọng, sau đó liệt các dây chằng cuống họng nên bị mất tiếng. Đặc trưng của giai đoạn này là lợn cong lưng, mông yếu, khi nằm xuống thì chân bơi trong không khí. Đôi khi lợn đột ngột đứng dậy, đi tới đi lui về phía trước hoặc lùi về phía sau hoặc tìm cách nhảy vọt ra khỏi chuồng, rồi rơi bịch xuống đất, nằm yên một lúc sau đó lại dậy, lại nhảy.
Trong một số trường hợp, bệnh có thể xảy ra ở dạng như bị choáng. Lợn con ốm thường đứng ở tư thế mõm dựa vào thành chuồng, sàn hoặc máng ăn, mất phản xạ với xung quanh. Trường hợp này các dây thần kinh chuyển động bị liệt làm cho lợn bị mất giọng và từ mũi, miệng chảy nhiều nước bọt, nước nhớt. Hoạt động tim mạch bị rối loạn, mạch đập và nhịp thở có thể tăng do viêm và phù phổi. Tỷ lệ chết ở lợn trong bệnh giả dại cổ điển là 83- 94% phụ thuộc vào lứa tuổi và mức độ nặng nhẹ của bệnh (có thể xảy ra trong khoảng 16 – 36h hoặc đến 10 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng).
Khi bệnh xảy ra ở dạng ức chế thì không có các biểu hiện rối loạn thần kinh. Lợn ốm bị hôn mê, yếu và bỏ ăn, rất khó chẩn đoán. Trong trường hợp này, phải gửi bệnh phẩm đi xét nghiệm ở cơ sở y tế chuyên ngành.
5.2. Ở lợn sau cai sữa đến 3 tháng tuổi
Triệu chứng lâm sàng ở lợn sau cai sữa đến 3 tháng tuổi và lợn trưởng thành xảy ra nhẹ hơn- giống như bệnh cúm lớn nhưng lây lan nhanh ra toàn trại, toàn khu vực chăn nuôi. Lợn ốm yếu, bồn chồn, ăn yếu hoặc bỏ ăn, thân nhiệt tăng lên 41- 42 độ C. Xuất hiện thường xuyên triệu chứng rít và ho, đôi khi thấy dịch chảy ra từ mũi, mắt. Bệnh kéo dài 3- 7 ngày, lợn tự khỏi bệnh hoặc xuất hiện viêm phổi, phế quản phổi. Lợn ho liên tục, ho thành cơn kéo dài, từ mũi chảy ra dịch mũi mủ. Lợn bệnh kém ăn, suy nhược cơ thể chết sau 8- 10 ngày. Một số ít lợn (dưới 3%) xuất hiện rối loạn thần kinh. Tỷ lệ chết ở lứa tuổi thường không vượt quá 3 - 10 % và không quá 3% ở lợn lớn hơn. Khi bị mắc giả dại, lợn thường bị bội nhiễm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết, phó thường hàn, tụ huyết trùng.
5.3. Ở lợn nái và lợn đực giống
Ở những lợn này, bệnh Aujeszky thường thể hiện như giống bệnh cúm lợn, mỗi con có những biểu hiện không đầy đủ của bệnh giả dại. Nhưng tổng đàn thì thấy:
- Lợn khụt khịt, hoặc ho liên tục do viêm phổi, viêm phế quản phổi, chảy nước mắt, nước mũi, thậm chí ho liên tục, từ lỗ mũi có dịch mủ chảy ra nhiều.
- Một số lợn nôn hoặc có phản xạ nôn, lúc táo bón, lúc ỉa chảy.
- Một số nái chửa bị sáy thai hoặc đẻ con ra chết yểu.
- Một số khác khó khăn trong di chuyển, yếu mông, hay di chuyển xoay vòng.
Bệnh kéo dài 7- 10 ngày và chủ yếu lợn tự khỏi, tỷ lệ chết thấp, không đáng kể.
6. Bệnh tích mổ khám
Bệnh không có bệnh tích điển hình. Biến đổi bệnh tích thường xảy ra ở não. Màng não bị xung huyết đôi khi thấy xuất huyết. Ở trong não chứa nhiều dịch thẩm xuất. Niêm mạc mũi bị viêm sưng, tuyến nước bọt bị viêm mủ, vùng họng viêm hoại tử, phổi bị viêm và phù nề.
Ở lợn con theo mẹ thấy xuất huyết điểm dưới vỏ thận giống như bệnh tích của dịch tả lợn. Ngoài ra còn thấy xuất huyết điểm trên niêm mạc ruột non. Thận và gan thường thấy nhiều điểm hoại tử màu xám hoặc hơi vàng.
Nái chửa có thể sảy thai. Thai bị phù nề dưới da, có nhiều điểm hoại tử ở gan, thận. Lợn lớn có nhiều bệnh tích giống dịch tả: viêm phổi, xuất huyết điểm ở thận.
Xét nghiệm vi thể thấy viêm mủ màng não. Biển đổi tập trung ở tế bào thần kinh và tế bào đệm, phát hiện các hạt virus trong tế bào thần kinh, xuất hiện bạch cầu đơn nhân lớn tập trung quanh thành mạch. Viêm thoái hóa tế bào đệm thần kinh các thể vùi trong nhân tế bào kẽ của hạch amidal và lớp nội mô của phế nang…
7. Chẩn đoán
Dựa trên kết quả lâm sàng và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán. Bệnh giả dại ở lợn đặc trưng với mối liên quan đến việc xuất hiện giả dại ở chuột và động vật ăn cỏ, có tính lây lan rất lớn trên lợn, không theo mùa vụ, có triệu chứng rối loạn thần kinh ở lợn con theo mẹ và tỷ lệ chết rất cao. Với lợn trưởng thành, bệnh xảy ra ở mức độ nhẹ kèm theo các triệu chứng tổn thương cơ quan hô hấp giống như bệnh cúm lợn.
Rất cần thiết phải làm phương pháp sinh học: lấy 10ml huyễn dịch vô trùng từ não hoặc hạch cổ của lợn nghi bệnh giả dại, tiêm bắp 1-3ml cho thỏ. Thỏ sẽ chết trong 3- 8 ngày, chỗ tiêm sưng tấy, rách toác.
Phân lập virus bằng việc nuôi cấy bệnh phẩm trên tế bào PK- 15 (tế bào thận lợn) và quan sát thấy bệnh tích tế bào điển hình (CPE). Có thể dùng phương pháp miễn dịch huỳnh quanh để giám định virus giả dại.
8. Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh giả dại với các bệnh sau:
8.1. Bệnh dịch tả lợn
Bệnh cũng có thể xảy ra với các triệu chứng tổn thương cơ quan thần kinh trung ương, nhưng khác ở điểm tỷ lệ chết của lợn trưởng thành rất cao. Thêm vào đó, triệu chứng rối loạn thần kinh trưng ương do bệnh dịch tả gây ra thường rất ít gặp và bệnh tích là xuất huyết ở nhiều cơ quan khác nhau như thận, lách, đường tiêu hóa bị viêm hoại tử tạo ổ loét hình xoáy ốc- Button.
8.2. Bệnh viêm màng não truyền nhiễm
Bệnh có thể xảy ra với các triệu chứng lâm sàng giống như bệnh giả dại, nhưng các loài gia súc khác (ngoài lợn) không mắc bệnh viêm màng não truyền nhiễm. Điểm quan trọng nhất để phân biệt 2 bệnh này là phản ứng sinh học: tiêm bệnh phẩm cho thỏ, kết quả thu được là âm tính đối với bệnh viêm màng nào truyền nhiễm còn kết quả dương tính (thỏ chết) đối với bệnh giả dại.
8.3. Bệnh do Listeria gây ra
Đặc trưng là rối loạn hệ thần kinh trung ương, đặc biệt lở lợn con 1-2 tháng tuổi. Chẩn đoán phân biệt cuối cùng là ở trong phòng thí nghiệm với việc phân lập, giám định virus hoặc thử phản ứng trên thỏ.
8.4. Bệnh phù thũng (Coli dung huyết)
Bệnh này cũng xảy ra ở dạng rối loạn hệ thần kinh nhưng điều khác với bệnh giả dại là đặc trưng phù thũng ở vùng trán, mi mắt, hầu, viêm sưng ở thành dạ dày- ruột và màng treo ruột. Bệnh phù thũng phần lớn xảy ra ở lợn tập ăn, trong lúc cai sữa, sau cai sữa và những con to béo nhất đàn thường xảy ra trước. Bệnh lây lan chậm và không phải tất cả các con ở mọi lứa tuổi đều bị bệnh (lợn lớn và lợn chưa tập ăn hầu như không mắc bệnh).
8.5. Bệnh nhiễm trùng huyết
Rất hiếm khi xảy ra ở dạng độc lập. Nó có thể bội nhiễm bệnh giả dại, chủ yếu ở lợn trưởng thành. Trong khi đó, một số bệnh như dịch tả lợn và cúm thường bị bội nhiễm bới nhiễm trùng thứ phát.
8.6. Bệnh thiếu vitamin và ngộ độc thức ăn
Với bệnh giả dại cần đánh giá mức độ lây lan, thành phần và chất lượng thức ăn, điểm đặc biệt khi xuất hiện bệnh và tiến triển bệnh đồng loạt giống nhau. Trong mọi trường hợp thì không có tính lây và thân nhiệt không tăng.
9. Miễn dịch bệnh giả dại
Lợn ốm khỏi bệnh tạo được miễn dịch đến 2 năm hoặc hơn. Lợn con sinh ra nái ốm đã khỏi bệnh (trừ một số trường hợp) sẽ có miễn dịch đến 45- 50 ngày, một số con đến một năm. Huyết thanh của lơn ốm khỏi bệnh chứa kháng thể đặc hiệu làm trung hòa được virus gây bệnh giả dại.
10. Điều trị
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Kháng huyết thanh chỉ có hiệu lực ở giai đoạn đầu của bệnh và giá thành đắt nên ít được sử dụng. Tốt nhất nếu bệnh giả dại xảy ra lần đầu thì cần tiêu hủy tận gốc và làm vệ sinh triệt để. Ở những cơ sở chăn nuôi mà bệnh đã nhiều lần bùng phát thì có thể điều trị triệu chứng theo cách sau:
- Thuốc an thần dùng 2- 3ml dung dịch Acepromazin 1% tiêm bắp cho lợn 10kg (2-3ml/10kgP).
- Lấy huyết thanh vô khuẩn của lợn ốm do bệnh giả dại đã khỏi, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp với liều 5ml/con/lần, 2-3 ngày sau tiêm mũi thứ 2.
- Để tránh các bệnh thứ phát đường hô hấp cần tiêm kháng sinh Vidan.T, Linco- Gen LA, Tialin.Thái…1ml/10kgP/lần nhân 2 lần/ngày nhân 3 ngày liên tục, hoặc Macavet 1ml/10- 15kgP ngày đầu tiêm 1 lần, sau 48 giờ tiêm nhắc lại, tiêm 3 mũi liên tục, hoặc Ceftiofur 1g/200kgP/lần, mỗi ngày tiêm 1 lần, tiêm 3 ngày là khỏi, ngoài ra còn dùng các loại thuốc bổ và trợ lực như: Cafein, vitamin B1, vitamin C, Urotropin, Calcium fort, Calci B12……
Đối với những con khỏe về lâm sàng thì tách riêng và tiến hành tiêm vacxin phòng chống bệnh giả dại (kể từ 2 ngày tuổi), sau tiêm 10- 14 ngày thì miễn dịch, miễn dịch kéo dài 8- 12 tháng. Cơ sở chăn nuôi lợn được coi là khỏi bệnh nếu trong vòng 6 tháng kể từ khi dùng vacxin mà không lợn con nào bị bệnh.
11. phòng bệnh
11.1. phòng bệnh bằng vacxin
a. Vacxin sống
Vacxin sống chỉ áp dụng cho những nơi bệnh rất phổ biến và ở các trại thương phẩm. Một số loại vacxin sống nhược độc đang lưu hành ở nước ta như:
- AKIPOR 6.3 của Rhone- Poulence- Pháp. Đây là vacxin sống chủng Bartha đã loại trừ IgE, mỗi liều 2ml. Nái hậu bị tiêm 2 mũi cách nhau 3- 4 tuần trước khi phối. Nái sinh sản tiêm 2 lần cách nhau 3-4 tuần bất kỳ giai đoạn nào của thời gian chửa. Với lợn thịt, mũi đầu tiên tiêm ngay sau khi cai sữa và mũi thứ 2 lúc 10 tuần tuổi.
- GESKYPUR của Pháp, liều tiêm 2ml/con. Đối với nái tiêm 2 mũi cách nhau 3- 4 tuần trước khi phối giống lần đầu và các nái đã đẻ tiêm bất cứ lúc nào trong thời gian chửa với 2 mũi cách nhau 3- 4 tuần.
- AUJESPIG TM.L của Canada. Tiêm sâu bắp thịt, với lợn con đang bú mẹ: 0,5ml/con, các lợn khác 2ml/con. Thời gian tiêm vacxin::
+ Đối với lợn nuôi thịt: lần đầu lúc 8 tuần tuổi, lần 2 lúc 11-12 tuần tuổi.
+ Đối với lợn sinh sản: lúc nhỏ tiêm như lợn nuôi thịt, sau đó tiêm lúc trước khi phối giống 3-4 tuần và tiêm nhắc lại vào lúc 2- 3 tuần trước khi đẻ.
- IZOVAC AU- K/61- BS là vacxin sống nhược độc Italia. Vacxin chứa chủng virus K61/BS. Tiêm bắp cổ 2ml/con. Nái chửa hậu bị tiêm lúc 60- 90 ngày tuổi, tiêm lần 2 sau 3-4 tuần và lần 3 sau 6- 7 tháng.
Khi dịch xảy ra có thể tiêm vacxin trực tiếp vào đàn lợn bệnh.
b. Vacxin chết
Vacxin chết áp dụng những nơi bệnh mới xảy ra và ở các cơ sở giống.
- AUJESPIG.K : vacxin chết (vô hoạt) dùng phòng bệnh giả dại cho lợn mọi lứa tuổi.
+ Đối với lợn con đẻ ra từ lợn nái chưa được tiêm phòng thì lần đầu tiêm sau khi sinh 2 ngày. Sau đó 2-3 tuần tiêm nhắc lại.
+ Đối với lợn thịt: Sau lần chủng thứ 2 của lợn con từ 3-4 tuần thì tiêm nhắc lại lần 3. Đặc biệt là lợn mới nhập đàn, không rõ lý lịch phải tiêm ngay, tiêm hết mọi con trước khi nhập đàn.
+ Đối với lợn nái: Tiêm bất cứ lúc nào trong thời kỳ mang thai và sau đó tiêm nhắc lại 30 ngày trước khi đẻ.
+ Lợn đực giống mỗi năm tiêm 2 lần, cách nhau 6 tháng.
- PARVOSUIN- MR/AD : vacxin vô hoạt tam giá phòng 3 bệnh: sảy thai do Parvovirus, giả dại, và đóng dấu lợn. Tiêm cho lợn cai sữa 2 lần cách nhau 3- 4 tuần tuổi, tiêm định kỳ 2 lần/ năm.
- SUIPRVAC- AD/COLI/Flu: vacxin vô hoạt tam giá phòng 3 bệnh cúm lợn, giả dại và Ecoli. Tiêm 2ml/con, lần 1 lúc 3- 4 tuần tuổi và tiêm nhắc lại sau 25- 30 ngày, tiêm định kỳ 2 lần/năm.
- MK- 25- VR2: vacxin vô hoạt tam giá của Bungari chống 3 bệnh dịch tả lợn, đóng dấu lợn, và giả dại. Tiêm 2ml/con, lần 1 lúc lợn 35- 40 ngày tuổi, lần 2 sau 25- 30 ngày.
11.2. phòng bệnh bằng biện pháp an toàn sinh học
a. Các biện pháp phòng bệnh từ xa
- Chỉ nhập lợn có lý lịch rõ ràng, đã qua kiểm tra huyết thanh âm tính với Aujesky, cố gắng theo nguyên tắc cùng vào cùng ra.
- Phải xây dựng khu nái đẻ riêng rẽ, nái đẻ này cách nái đẻ kia càng xa càng tốt.
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc, diệt côn trùng, chuột. Phun thuốc sát trùng tối thiểu một tuần một lần bằng 2% của dung dịch PVP.iodine 10%, Formol 1,2- 2%...
- Tuyệt đối cấm tiếp xúc giữa lợn nái với trâu, bì, dê, cừu, chó, mèo…
- Không mang thịt lợn sống hoặc sản phẩm lợn sống vào trang trại với bất kỳ lý do và hình thức nào.
- Thường xuyên giám sát lấy quy trình xuất nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn.
- Tiêm phòng chủ động vacxin sống nhược độ như MK- 25- VR2, Akipor 6.3, Izovac- K/61-BS…
b. Các biện pháp được sử dụng sau khi bệnh giả dại nổ ra
- Đối với trại giống: Khẩn trương khoanh vùng và dập dịch bằng cách ly ngay đàn lợn con cùng với nái đẻ bị bệnh, tiêm ngay kháng huyết thanh cho lợn ốm và lợn khỏe nhưng đã tiếp xúc với lợn bệnh. Trường hợp số lợn bệnh ít thì tốt nhất tiêu hủy. Sau khi tiêm kháng huyết thanh 4- 5 ngày thì tiêm nhắc lại, đồng thời triển khai vệ sinh tiêu độc cách ngày.
Tất cả lợn khỏe còn lại chưa tiếp xúc với lợn ốm thì phải tiêm ngay vacxin sống nhược độc. Những lợn đã khỏi bệnh hoặc đã được tiêm kháng huyết thanh cũng phải được tiêm vacxin sống nhược độc.
- Đối với trại lợn nuôi thương phẩm: Bệnh giả dại xuất hiện giống như cúm lợn- thể phổi. Với tỷ lệ chết thấp nhưng đây là nguồn bệnh nguy hiểm, do đó cần phải tiêm ngay kháng huyết thanh để dập dịch và ngay sau đó tiêm vacxin sống nhược độc để thanh toán bệnh. Cấm tuyệt đối xuất nhập lợn ít nhất 60 ngày, sau đó phải đưa cả đàn đi giết mổ và thực hiện nghiêm khắc công tác vệ sinh phòng dịch.
Công Ty TNHH Phát Triển Nông Nghiệp Thu Hà
- Địa Chỉ: Thôn 5, Xã Phù Vân, TP. Phủ Lý , Hà Nam
- Gọi qua số Hotline: 0983882813 để được tư vấn
Nguồn: gionggaquy.com